Nguyễn Thái Duy
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Khóa học
  • _Khóa học Sale Rich
  • _Khóa học kinh doah
  • _Khóa học cho CEO 4.0
  • Lịch khai giảng
  • Đối tác
  • Bài học
  • Liên hệ
Mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức tương đối cao, có nơi lên tới 7-8%, sẽ là lựa chọn của nhiều người khi có tiền nhàn rỗi trong bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng còn trầm lắng. Tuy nhiên, làm sao để tối ưu hóa khoản tiền gửi của mình không phải ai cũng biết.

Vậy gửi tiền ngân hàng như thế nào để có thể đạt mức sinh lời cao lại an toàn? Sau đây là một số điểm mà người gửi cần lưu ý.


Lựa chọn ngân hàng tốt nhất

Để gửi tiết kiệm, trước tiên bạn nên chọn ngân hàng uy tín, phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, có độ an toàn cao. Để biết được điều này, bạn có thể tham khảo các dữ liệu từ báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm.

Ngoài ra, những ngân hàng có nhiều chi nhánh, mạng lưới hoặc có nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ để triển khai các sản phẩm gửi tiết kiệm online... cũng nên được cân nhắc vì nó sẽ tạo thuận lợi cho bạn khi muốn giao dịch.

Và trong các ngân hàng uy tín, bạn sẽ so sánh mức lãi suất của các sản phẩm, kỳ hạn tương ứng để lựa chọn ngân hàng tốt nhất.

Chọn sản phẩm tiết kiệm tối ư

Cân nhắc loại sản phẩm và kỳ hạn gửi để có thể hưởng được mức lãi suất cao nhất. Ảnh: PV.

Tuỳ vào khoản tiền của bạn lớn hay nhỏ, cố định hay có khả năng phát sinh đều đặn, là tiền mặt hay trong tài khoản (được chi trả hàng tháng qua tài khoản ngân hàng),… mà bạn có thể lựa chọn hình thức gửi tiền phù hợp nhất cho mình.

Trường hợp bạn có khoản tiền mặt nhàn rỗi lớn thì có thể gửi theo hình thức tiết kiệm bậc thang để hưởng lãi cao nhất. Còn nếu là khoản tiền nhỏ nhưng phát sinh đều đặn hàng tháng, bạn có thể tham gia sản phẩm tiết kiệm gửi góp để tích lũy dần trong tương lai. Hay với khoản tiền được chi trả hàng tháng qua tài khoản, hãy nghĩ đến tiết kiệm tự động để thuận tiện cho việc gửi tiền,…

Ngoài ra, bạn tính toán kỹ các phương thức trả lãi mà ngân hàng áp dụng. Bạn có 2 cách chọn lãi suất: cố định và thả nổi. Lãi suất cố định sẽ được giữ nguyên trong suốt kỳ, lãi sẽ được trả cuối kỳ. Còn lãi suất thả nổi sẽ được điều chỉnh từng quý hoặc từng tháng và tùy theo từng ngân hàng. Bạn có thể chọn cách lãi sẽ được nhập vào vốn hay rút tiền mặt ở mỗi lần lãnh lãi. Thông thường thì gửi tiết kiệm lãnh lãi cuối kỳ có mức lãi suất tốt hơn.

Chọn kỳ hạn gửi phù hợp

Hiện nay, loại tiết kiệm được các ngân hàng thiết kế rất nhiều kỳ hạn để người dân linh hoạt lựa chọn. Kỳ ngắn từ một đến dưới 12 tháng; dài trên 12 tháng. Có ngân hàng đang có những sản phẩm tiền gửi chỉ 1, 2, 3 tuần.

Do đó, tuỳ vào tình hình thực tế, trước khi gửi, bạn nên cân nhắc kỹ sẽ gửi kỳ hạn nào là phù hợp nhất. Nếu bạn chưa thu xếp ổn thoả kế hoạch tài chính trong thời gian tới thì chỉ nên gửi kỳ hạn ngắn. Bởi khi có việc gấp cần rút tiền mà chưa đến thời gian đáo hạn, khoản tiền của bạn sẽ nhận lãi suất không kỳ hạn rất thấp hoặc thậm chí không có lãi.

Trong trường hợp bạn vẫn phân vân chưa biết nên chọn kỳ hạn nào thì có thể cân nhắc việc chia nhỏ khoản tiền gửi của mình. Chẳng hạn thay vì gửi cùng lúc 100 triệu đồng theo kỳ hạn một năm, bạn có thể gửi 30 triệu đồng cho kỳ hạn ngắn một hoặc 3 tháng, còn 70 triệu đồng kia thì gửi một năm. Như vậy, bạn sẽ yên tâm nếu có phát sinh ngoài dự kiến cần sử dụng đến tiền thì vẫn có thể linh hoạt xử lý mà không phải rút hết trước hạn.

Cân nhắc dịch ụ và tiện ích kèm theo

Đây là những yếu tố không quan trọng lắm nhưng bạn cũng cần quan tâm để được hưởng lợi ích tối đa. Hiện nay để thu hút tiền gửi và để cạnh tranh, các ngân hàng triển khai các chương trình khuyến mại (rút thăm trúng thưởng, nhận quà tặng,…) hay thêm những tiện ích khi khách hàng gửi tiền. Vì vậy, khi gửi thì bạn nên hỏi kỹ để được hưởng các dịch vụ và tiện ích này.
Theo Hoài Thu (vnexpress)

Đừng nói thẳng với họ là "Anh sai rồi", "Tôi không biết" hay "Đó có phải là việc của tôi đâu", nếu bạn muốn thăng tiến trong sự nghiệp.

1. Anh/chị sai rồi

Chỉ trích công khai hoặc nói thẳng sai sót của cấp trên chắc chắn sẽ khiến bạn bị coi là người ngoài trong các cuộc họp, hoặc sẽ chẳng bao giờ được hỏi ý kiến, Rosalinda Oropeza Randall - chuyên gia về phép lịch sự cho biết.

Nếu cảm thấy cấp trên mắc lỗi, bạn vẫn có nhiều cách giải quyết việc này, như nói: "Tôi không biết thế này có đúng không, nhưng tôi hiểu là….". Nó sẽ khiến họ cân nhắc lại và sửa chữa mà không dựng hàng rào bảo vệ với bạn. "Nhìn chung là nói câu gì cũng được, miễn là bạn có thái độ ôn hòa và hữu ích", Randall cho biết.


2. Tôi không thể

Thái độ "có thể" luôn là đức tính được đánh giá cao. Còn câu nói "Tôi không thể" thiếu cả sự tự tin và sự sẵn sàng nắm bắt cơ hội.

3. Đó có phải việc của tôi đâu

Trong môi trường hiện nay, các nhân viên đều được kỳ vọng làm việc linh hoạt. Càng có nhiều kỹ năng, họ càng khó bị thay thế.

Nói rằng không sẵn sàng làm những việc ngoài phận sự chỉ cho thấy anh không muốn thành công trong công ty mà thôi, Ryan Kahn – nhà sáng lập hãng tư vấn nghề nghiệp The Hired Group cho biết.

4. Tôi không biết

Dĩ nhiên, bạn không cần phải biết đáp án cho mọi câu hỏi. Nhưng tốt nhất hãy cho cấp trên một phán đoán và cam kết sẽ tìm hiểu sâu hơn. Nó sẽ có ích hơn là nhún vai tỏ vẻ không biết.

5. Không

Ai cũng kỳ vọng vào sự hợp tác nơi công sở. Thi thoảng, nói "Không" cũng là điều cần thiết. Nhưng nó sẽ phù hợp hơn nếu đi kèm với một lời giải thích thỏa đáng. Ví dụ, nếu sếp của bạn nói: "Anh có thời gian làm cho dự án Smith hôm nay không?", bạn không nên trả lời "Không". Thay vào đó, hãy nói: "Hôm nay hơi khó, nếu anh vẫn muốn tôi tập trung cho bài thuyết trình của công ty. Tôi có thể tham gia dự án vào ngày mai được không?"

6. Tôi sẽ cố

Một vài người cho rằng đây là câu trả lời chấp nhận được. Tức là chúng ta đều sẽ cố làm tốt nhất có thể. Nhưng nó sẽ khiến cấp trên của bạn cảm thấy không chắc chắn. Vì khi giao việc, họ đã tin tưởng vào bạn rồi, rằng bạn sẽ hoàn thành trong thời gian nhất định.

Hãy thử tưởng tượng bạn hỏi: "Ông sẽ ký duyệt lương cho tôi vào ngày 15 chứ?", và sếp bạn trả lời "Tôi sẽ cố".

7. Ở chỗ làm cũ, chúng tôi không làm thế

Không sếp nào thích người biết tuốt đâu. Vì thế, anh cần thật tế nhị nếu cho rằng mình có cách làm tốt hơn. "Tốt hơn là đừng dùng những câu nhạy cảm, mang tính thách thức. Thay vào đó, hay chuyển chúng thành những câu hỏi mang tính xây dựng", Lynn Taylor - tác giả cuốn "Cách giải quyết những hành động trẻ con của cấp trên và thăng tiến trong công việc" cho biết.

8. Tôi không thể làm việc với anh ta/cô ta

Không thể hòa hợp với người khác là việc chẳng tốt tí nào. Khi đi học cũng vậy. Và đi làm lại càng khó chấp nhận. Nó cho thấy bạn sẽ khó vượt qua các mâu thuẫn cá nhân để đạt kết quả tốt nhất.

9. Sao cô ta lúc nào cũng được...?

Than vãn chuyện này chẳng có tác dụng gì đâu. Tốt nhất là bạn nên hỏi làm cách nào mình cũng có đặc quyền như người nọ người kia, và quên những người khác đi.

10. Vài ngày tới là tôi đi nghỉ rồi nhé/Mai tôi sẽ về nhà sớm

Đừng nói với sếp là bạn sẽ đi nghỉ, hoặc sẽ rời văn phòng sớm. Hãy hỏi họ thật lịch sự. Dĩ nhiên, bạn không phải trẻ con để nói những câu như: "Tôi có thể xin phép nghỉ thứ Hai và thứ Ba không?". Thay vào đó, bạn có thể nói: "Tôi có kế hoạch xin nghỉ thứ Hai và thứ Ba. Và tôi muốn đảm bảo là anh không thấy vấn đề gì với việc đó".

Theo Hà Thu (vnexpress)
Cho dù bạn giàu có hay ít tiền thì vẫn có rất nhiều cách mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng giúp cải thiện tình hình tài chính của mình.

Đầu năm mới là thời điểm nhiều người nghĩ về việc thay đổi tình hình tài chính của bản thân cho tốt hơn. Nếu bạn không sẵn sàng cho một giải pháp lớn, bạn có thể chỉ cần thực hiện những quyết định nhỏ nhằm cải thiện tài chính của mình.



1 Nhận thông báo

Một trong số những điều quan trọng nhất bạn cần làm để cải thiện tình hình tài chính của mình là việc nhận được thông báo về nó.

Quá trình để nhận được thông tin tốt hơn về tình hình tài chính của bạn có hai phần. Đầu tiên, bạn cần hiểu về tài chính của bản thân. Có một bức tranh rõ ràng về vị trí hiện tại của bạn là điều cần thiết. Bạn cần phải biết những gì bạn đang có, những gì bạn kiếm được và những gì bạn đang nợ. Kiến thức cơ bản này sẽ có một tác động thực sự vào cách mà bạn xem xét tài chính.

Thứ hai, bạn cần phải biết thêm tài chính cơ bản, có hiểu biết về tác động của nợ tốt và nợ xấu. Bạn cũng cần phải biết mức lãi suất bao nhiêu là tốt và không tốt cho bạn. Tìm hiểu về những lựa chọn khác nhau mà bạn có cho việc tiết kiệm tiền.

2 Đặt ra những mục tiêu thực tế

Mục tiêu rất quan trọng trong việc cải thiện tài chính của bạn. Những mục tiêu đó sẽ cho bạn biết mình cần làm gì. Chúng cũng là thước đo để đo sự thành công của bạn. Để làm được điều này, bạn cần phải cụ thể những mục tiêu đã đặt ra cho chính mình.

Hãy nói rằng mục tiêu của bạn là tiết kiệm tiền hay thanh toán hết các khoản nợ cá nhân. Bạn cần phải biết bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu và tiết kiệm bằng cách nào. Bạn có muốn đặt ra một kế hoạch tiết kiệm 500 USD mỗi tháng? Hoặc bạn có muốn cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm thêm 200 USD cho những chi phí phụ trội?

Đây là hai loại khác nhau của tiết kiệm và bạn nên sử dụng các phương pháp khác nhau để đạt được mỗi mục tiêu. Đó là lý do giải thích tại sao bạn thiết lập các mục tiêu của mình càng chi tiết càng tốt. Đừng quên giữ những mục tiêu của bạn trong tầm tay mình. Một mục tiêu bất khả thi sẽ khiến bạn thất bại và thường làm tổn hại không chỉ túi tiền mà còn cả thái độ của bạn về tiền bạc.

3 Dành thời gian thực hiện

Dành thời gian thực hiện là một trong những quyết định quan trọng nhất bạn có thể làm cho tai chính của mình. Thành Rome không được xây xong trong một ngày và tài khoản hưu trí của bạn cũng không có được trong ngày một ngày hai.

Đầu tiên bạn nên chắc chắn rằng đã dành thời gian để suy nghĩ về những gì bạn muốn mua trước khi mang chúng về nhà. Điều này giúp bạn loại bỏ sự bốc đồng trong mua bán và giúp bạn tiêu tiền một cách hợp lý. Một cách tuyệt vời để làm được điều đó là giữ những món đồ đó trong giỏ hàng mua sắm trực tuyến của bạn, và nếu bạn vẫn nghĩ đến nó vào ngày hôm sau thì bạn thực sự cần mua nó.

Thứ hai, bạn nên dành thời gian để tạo ra một kế hoạch tài chính. Khi cố gắng để đạt được mục tiêu, hãy cho mình đủ thời gian để đạt được nó. Sẽ rất khó để tiết kiệm được nhiều chỉ trong một thời gian ngắn. Hãy kiên nhẫn với chính mình và tài khoản ngân hàng của bạn.

4 Loại bỏ những gì bạn không sử dụng

Mỗi người đều có ít nhất một hóa đơn phải trả mỗi tháng cho một dịch vụ mà họ không dùng đến. Cho dù hóa đơn đó của bạn là dành cho điện thoại cố định, thẻ thành viên phòng tập thể dục hay một dịch vụ nào đó mà bạn không tìm ra cách để hủy bỏ, hãy dành thời gian để sắp xếp gọn gàng lại tình hình tài chính của mình. Loại bỏ thậm chỉ chỉ một thứ khỏi danh sách cần thanh toán hàng tháng của bạn cũng có thể tạo ra một sự khác biệt lớn về tài chính hàng tháng. Quan trọng hơn, nó dạy cho bạn làm thế nào để từ bỏ thói quen chi tiêu mà không mang lại lợi ích gì.

5 Xây dựng kế hoạch tiết kiệm tự động

Tiết kiệm là việc quan trọng nhưng nó không phải là ưu tiên hàng đầu trong tâm trí của mọi người. Bạn có thể quyết định lập ra một kế hoạch tiết kiệm tự động để giúp bạn chắc chắn có thể tiết kiệm được. Thậm chí nếu bạn chỉ chuyển 20 USD mỗi tháng vào tài khoản tiết kiệm, từng khoản nhỏ mỗi ngày sẽ giúp bạn góp thành khoản lớn. Điều này cũng làm bạn cảm thấy thoải mái hơn với việc tiết kiệm.

Thực hiện những bước nhỏ này có thể mang lại kết quả tốt ngoài sự mong đợi của bạn. Hãy nhớ rằng bạn có cả đời để quản lý tài chính, vì thế bạn không cần phải thực hiện tất cả mọi thứ ngay hôm nay.
Dù giàu hay nghèo, điều chắc chắn là người ta sẽ chẳng bao giờ có thể ngừng nghĩ về tiền bạc, một nghiên cứu tại Mỹ cho biết.

Hãy nhìn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra. Trong số các ứng cử viên, có một tỷ phú và một nhà xã hội dân chủ. Cả hai đều đưa ra những phương án riêng nhằm giải quyết bất bình đẳng thu nhập.

Paul Riff - Giáo sư tâm lý tại Đại học California đã thực hiện một nghiên cứu về cách tiền bạc thay đổi mối quan hệ giữa người và người. Hầu hết các kết quả chỉ ra rằng tiền bạc có tác động tiêu cực lên hành vi của con người. "Càng có nhiều tiền, người ta càng có xu hướng tập trung vào bản thân mình, và kém nhạy cảm hơn với hạnh phúc của những người xung quanh", Riff nhận định.



Trong một buổi phỏng vấn trên Reuters, ông cho biết mình nghiên cứu vấn đề này bằng cách mời hàng trăm người chơi Monopoly (Cờ tỷ phú). Họ sẽ được chia thành từng nhóm 2 người, không quen biết nhau.

Một người sẽ được ngẫu nhiên chọn làm người giàu, nhận về nhiều tiền hơn, được gieo xúc xắc hai lần và cũng nhận được tiền thưởng gấp đôi. Theo luật chơi, đây rõ ràng là không công bằng. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút, họ bắt đầu thay đổi cách cư xử. Người giàu trở nên thô lỗ, to tiếng và hiếu chiến. Họ liên tục hả hê về chiến thắng và không ngừng khoe khoang về số tiền kiếm được.

Sau khi kết thúc, Riff và nhóm nghiên cứu đã hỏi vì sao họ thắng. Người giàu chỉ tập trung vào những quyết định của mình, như chọn mua tài sản gì. Nhưng thật ra, tất cả đều chỉ là do họ may mắn được phân vai có lợi thế hơn ngay từ đầu mà thôi.

Giải thích về sự tương đồng giữa trò Monopoly và đời thực, Riff cho biết: "Bạn không thể quyết định mình sẽ sinh ra trong gia cảnh như thế nào. Một vài người may mắn có đầy đủ điều kiện từ bé, số khác thì không. Dù vậy, người ta chỉ nghĩ về những gì mình làm được và mình xứng đáng được hưởng thụ như thế nào. Thường thì sự giàu có của cha mẹ sẽ khiến con cái có suy nghĩ như vậy".

Ông cho rằng khi có quá nhiều thứ, người ta sẽ có xu hướng làm những điều sai trái. Trong thí nghiệm của mình, họ thấy rằng con người dễ dàng phá bỏ các chuẩn mực đạo đức vì lợi ích cá nhân, như nói dối, gian lận hay thậm chí là phạm pháp.

Bên cạnh đó, Riff nhận định vấn đề bất bình đẳng thu nhập không chỉ là vấn đề của người nghèo. Mà ngay cả người giàu cũng khó tránh khỏi tác động.

"Vấn đề nằm ở sự ích kỷ, bởi tầng lớp thượng lưu cho rằng họ xứng đáng hưởng những gì mình có, và không có ý thức chia sẻ. Bất bình đẳng khiến khoảng cách giữa người với người ngày càng xa", ông giải thích.

Dù vậy, ông cho rằng người giàu không hẳn là bị tha hóa. Chỉ là sự giàu có luôn đi kèm với những khuynh hướng tâm lý nhất định. Nếu tiền bạc làm thui chột lòng từ bi và sự hào phóng, chúng ta cần tìm cách để giảm bớt tác hại của nó.

"Khi thí nghiệm, chúng tôi nhận ra rằng người nghèo ban đầu thường hào phóng hơn người giàu. Nhưng khi được cho xem một đoạn phim ngắn về sự nghèo khổ, người giàu cũng trở nên hào phóng không kém", ông nói.

Ngày nay, làm từ thiện đã là hoạt động thường thấy của rất nhiều người giàu thế giới. Năm ngoái, nhà sáng lập Facebook – Mark Zuckerberg đã cam kết hiến tặng 99% cổ phiếu Facebook đang nắm giữ để làm từ thiện. Người giàu nhất thế giới - Bill Gates và huyền thoại đầu tư - Warren Buffett cũng đồng sáng lập Cam kết cho đi (Giving Pledge) - thuyết phục người giàu cho đi ít nhất nửa tài sản của mình.

Riff kết luận giàu có khiến con người tự tách biệt mình. Vì thế, điều cần làm là phải kết nối họ lại với những người xung quanh để đưa họ ra khỏi thế giới riêng.

Nguồn : Vnexpress - Hà Tường (theo Reuters)
Họ sẽ chẳng đổ tiền vào xổ số, mua bảo hành mở rộng hay quẹt thẻ tín dụng vô tội vạ để rồi phải trả một núi tiền lãi.

Khi nghĩ về đồ dùng của người giàu, chắc bạn sẽ liên tưởng đến những chiếc xe Maserati, những căn nhà xa xỉ và tủ quần áo toàn hàng thiết kế. Đúng là người giàu có những sở thích rất xa xỉ, nhưng nhiều người trong số họ vẫn khá thận trọng trong thói quen chi tiêu.

Họ không mua, chi trả hoặc làm việc vì những thứ họ cho là phí tiền. Bên cạnh đó, sinh hoạt phí của họ cũng ít hơn mọi người nghĩ rất nhiều. Theo Go Banking Rates, dưới đây là những thứ người giàu chẳng bao giờ đổ tiền vào.



1. Vé số

Nếu thực sự muốn giàu, bạn đừng chơi xổ số. Vì đây là cách đốt tiền nhanh nhất. Người giàu đều biết canh bạc tài chính này không dễ chơi. Ví dụ, cơ hội trúng giải độc đắc xổ số Powerball của Mỹ là 1 trên 175 triệu

Hãy làm một bài toán nhỏ. Một chiếc vé Powerball có giá 2 USD. Số tiền này không nhiều. Nhưng nếu bạn chơi hai lần một tuần trong cả năm, mỗi lần mua một vé, bạn sẽ mất 400 USD. Con số này hoàn toàn có thể để tiết kiệm khi về hưu.

Các nghiên cứu đã chỉ ra "xác suất bị máy bay rơi trúng người còn cao gấp 17 lần khả năng trúng xổ số". David Henderson - chuyên gia tài chính tại Client One Securities cho biết người giàu thường có quyết định theo hướng logic hơn và sẽ "đầu tư tiền vào những nơi khác".

"Nhiều nghiên cứu chỉ ra người có thu nhập thấp chơi xổ số thường xuyên hơn nhiều người có thu nhập cao. Người thu nhập cao thường chỉ chơi khi giá trị giải thưởng lên cực lớn và thu hút sự chú ý của giới truyền thông", Henderson cho biết.

2. Lãi suất thẻ tín dụng

Dùng thẻ tín dụng cũng như ăn kem hộp vậy. Ban đầu, bạn có thể thấy tội lỗi đôi chút vì hơi quá tay. Nhưng vì chúng quá tiện nên bạn cứ tiếp tục.

Thực tế là, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy người giàu để chất đống lãi thẻ tín dụng đâu, vì với họ, nó là sự lãng phí.

Còn nếu đã mắc nợ, hãy cố sống thật tiết kiệm, dưới mức thu nhập mỗi tháng. "Nếu rèn được bản thân thói quen tiết kiệm cho tương lai, bạn có thể gây dựng tài sản một cách từ từ, và không cần dựa vào thẻ tín dụng hay các loại nợ khác nữa", Henderson cho biết. Đó mới thực sự là sống như người giàu.

3. Mua bảo hành mở rộng

Thi thoảng, khi đi mua đồ, bạn sẽ được hỏi những câu như: "Anh/chị có muốn mua thêm gói bảo hành không ạ?". Một người thành công về mặt tài chính sẽ luôn trả lời là "Không".

Dù ai cũng muốn có lợi ích tối đa từ sản phẩm, việc gia hạn bảo hành cũng chẳng có mấy tác dụng. Người giàu sẽ chẳng bao giờ muốn đổ thêm tiền vào túi các công ty lớn đâu. Theo US News Money, gói bảo hành đi kèm của nhà sản xuất đã là quá đủ rồi. Bên cạnh đó, mua bảo hành mở rộng cũng có rất nhiều điều kiện đi kèm. Thế nên, nếu được người bán hàng hỏi câu này, hãy cứ trả lời là "Không".

4. Mua tùy hứng
Bạn đã bao giờ vào cửa hàng, đầu thì nghĩ muốn mua một món, nhưng lại trở ra với một xe đẩy đầy hàng chưa? Đó chính là mua tùy hứng.

Và nó cũng không phải thói quen mua sắm của người giàu. Vì họ là những người biết lập kế hoạch. Và mua sắm tùy hứng chính là làm trái quan điểm này. Leslie Tayne - chuyên gia tư vấn tài chính tại Tayne Law Group cho biết nếu muốn học hỏi hành vi của họ, bạn cần thận trọng hơn về vấn đề tiền bạc.

Để tránh việc vung tiền quá tay, hãy chỉ mang đủ tiền mặt khi đi mua sắm. "Chỉ mang đúng số tiền bạn định chi cho những đồ cần mua thôi. Nó sẽ giúp bạn luôn bám sát ngân sách và kiềm chế thói quen chi tiêu quá tay", Tayne cho biết.

5. Các thương hiệu cao cấp

Có thể bạn thấy người giàu mặc rất nhiều hàng thiết kế trên thảm đỏ. Nhưng phần lớn họ không mua chúng để mặc hàng ngày đâu. Họ có ngân sách và mục đích riêng cho các món đồ xa xỉ.

"Những người thành công về tài chính sẽ so sánh các cửa hàng với nhau. Họ hiểu rõ tầm quan trọng của cả chất lượng và chi phí. Họ có thể mua đồ rẻ hơn, hoặc mua đồ chất lượng cao hơn. Miễn là có vụ mua bán thông minh nhất về tài chính", Tayne cho biết.

Thế nên, lần sau, khi bạn định mua chiếc quần jeans 200 USD, hãy dừng lại và tự hỏi liệu nó có đáng tiền hay không? Thay bằng quần 30 USD có được không? Hãy nhớ luôn mua hàng thông minh và theo sát kế hoạch ngân sách.

Nguồn : vnexpress - Hà Thu (theo Go Banking Rates)
Quan niệm của huyền thoại đầu tư là nên mua cổ phiếu các doanh nghiệp tuyệt vời đến mức một kẻ ngốc cũng có thể điểu hành được, vì sớm muộn gì việc đó cũng xảy ra.

Warren Buffett không chỉ là nhà đầu tư thành công nhất lịch sử, mà còn nổi tiếng với những lời khuyên hài hước và trí tuệ. Business Insider đã thống kê những câu nói nổi tiếng nhất của Warren Buffett qua những lần ông xuất hiện trên TV, báo chí và cả trong thư gửi cổ đông Berkshire Hathaway hàng năm.



1. Mua cổ phiếu đừng quan tâm đến giá cả

"Mua một công ty tuyệt vời với giá hợp lý tốt hơn nhiều so với việc mua một công ty vừa phải với mức giá tuyệt vời".

2. Không phải chỉ thiên tài mới giỏi đầu tư
"Đầu tư không phải trò chơi mà những người IQ 160 đánh bại được người IQ 130".

3. Nhưng bạn vẫn phải nắm vững cơ bản

"Để đầu tư thành công, bạn không cần phải hiểu beta, thị trường hiệu quả, thuyết danh mục đầu tư hiện đại, định giá quyền chọn hay thị trường mới nổi. Thực tế là, không biết còn tốt hơn, dù đây là những môn học phổ biến tại trường. Quan điểm của tôi là bạn chỉ cần học tốt hai môn – Làm thế nào để định giá một doanh nghiệp và Làm thế nào để nhận định giá cả thị trường".

4. Đừng mua một cổ phiếu chỉ vì mọi người đều ghét nó

"Nếu bạn chọn mua một cổ phiếu, hay một công ty chỉ vì nó ít được yêu mến, đó hoàn toàn không phải hành động thông minh. Bạn cần phải suy nghĩ chứ không chọn bừa. Nhưng thật không may, theo quan sát của nhà triết học Bertrand Russell, phần lớn mọi người thà chết còn hơn là phải nghĩ".

5. Bạn sẽ không nhìn thấy những thứ tồi tệ khi mọi chuyện đang tốt đẹp

"Bạn chỉ có thể biết được ai đang bơi khỏa thân khi thủy triều rút mà thôi".

6. Luôn sẵn sàng thanh khoản

"Tôi vẫn luôn cam kết điều hành Berkshire với thật nhiều tiền mặt. Chúng tôi không bao giờ muốn trông chờ vào lòng tốt của những người xa lạ để trả nợ trong tương lai".

7. Cơ hội tốt nhất để mua một công ty là khi nó đang nguy ngập

"Điều tuyệt vời nhất bạn có thể nắm bắt là một công ty tốt gặp khó khăn tạm thời. Chúng tôi chỉ muốn mua khi họ nằm trên bàn phẫu thuật".

8. Mua các công ty có thể có giám đốc kém năng lực

"Tôi luôn cố mua cổ phiếu các doanh nghiệp tuyệt vời đến mức một kẻ ngốc cũng có thể điểu hành được. Vì sớm muộn gì việc đó cũng xảy ra".

9. Hãy tham lam khi người khác sợ hãi

"Nhà đầu tư nên nhớ rằng sự hưng phấn và chi phí là kẻ thù của mình. Và nếu họ muốn xác định thời điểm tham gia thị trường chứng khoán, hãy tập sợ hãi khi người ta tham lam, và tham lam khi người ta sợ hãi".

10. Không cần phải bắt lấy mọi cơ hội

"Thị trường chứng khoán không giống như bóng chày. Bạn không cần phải lúc nào cũng vung gậy, mà có thể chờ đường bóng thích hợp. Vấn đề chỉ là khi quản lý quỹ đầu tư, khách hàng của bạn sẽ luôn kêu gào: "Sao không làm gì cả thế?".

11. Bỏ qua các yếu tố chính trị và vĩ mô khi chọn cổ phiếu

"Các dự đoán liên quan đến chính trị và vĩ mô sẽ khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp phân tâm. 30 năm trước, chẳng ai có thể đoán được những vấn đề như tổng thống từ chức, Liên Xô tan rã hay Dow Jones giảm tới hơn 500 điểm một ngày.

Tuy nhiên, chẳng sự kiện nào khiến Ben Graham thay đổi nguyên tắc đầu tư của mình. Chúng cũng không ngăn được các thương vụ mua bán doanh nghiệp tốt với giá hời. Hãy tưởng tượng bạn sẽ mất bao nhiêu tiền nếu phải hoãn hoặc thay đổi kế hoạch đầu tư vì những nỗi sợ hãi vô danh. Trên thực tế, những thương vụ tốt nhất của chúng ta lại được thực hiện khi nỗi sợ hãi về các sự kiện vĩ mô lên đỉnh điểm".

12. Cổ phiếu càng có nhiều giao dịch, lợi nhuận kiếm được càng giảm

"Isaac Newton đã tìm ra ba định luật chuyển động. Tuy nhiên, tài năng của ông cũng chẳng thể áp dụng được vào đầu tư. Newton đã mất cả đống tiền trong vụ cổ phiếu South Sea sụp đổ. Sau đó, nhà bác học giải thích: "Tôi có thể tính toán được chuyển động của các vì sao, nhưng không thể đo được sự điên rồ của con người". Nếu không vì sự cố đó, có lẽ ông ấy đã tìm ra định luật chuyển động thứ 4 - Với nhà đầu tư nói chung, lợi nhuận càng giảm nếu giao dịch càng nhiều".

13. Công ty không phải thay đổi có thể là kênh đầu tư tốt

"Các tiếp cận của chúng tôi là kiếm lời từ những gì ít thay đổi hơn là hay thay đổi. Với hãng kẹo cao su Wrigley, chính sự ổn định của họ đã hấp dẫn tôi. Tôi không cho rằng họ sẽ bị ảnh hưởng bởi Internet. Đó là kiểu kinh doanh mà tôi thích".

14. "Nguyên tắc số 1: Đừng bao giờ để mất tiền. Nguyên tắc 2: Đừng quên nguyên tắc 1".

15. "Wall Street là nơi duy nhất những người đi Rolls-Royce xin lời khuyên từ những người đi tàu điện ngầm".

Hà Thu - vnexpress.vn 

Vị tỷ phú không quan tâm biến động giá cả hàng ngày của các loại tài sản vì ông cho rằng thành công chỉ đến với những ai tập trung đầu tư, chứ không phải dán mắt vào bảng kết quả.

Trong thư hàng năm gửi các cổ đông Berkshire Hathaway, nhà đầu tư huyền thoại của Mỹ - Warren Buffett nói rằng nếu muốn biết làm thế nào để kiếm tiền từ thị trường chứng khoán, hãy nhìn vào cách ông kiếm tiền từ hai khoản đầu tư bất động sản nhỏ. Những việc này đã xảy ra vài chục năm trước, và cũng chẳng thay đổi tài sản của ông là bao, nhưng chúng có ý nghĩa rất lớn.



Ông đã viết về việc mình mua một trang trại tại Nebraska và đầu tư vào một tòa nhà cho thuê gần Đại học New York (Mỹ). Trong cả hai trường hợp, ông đều mua khi giá xuống đột ngột sau thời gian bùng nổ. Cả hai đều thuộc lĩnh vực Buffett không thông thạo. Và quan trọng nhất là, ông đầu tư vì tin rằng chúng sẽ ngày càng sinh lời, chứ không phải muốn bán lại với giá cao hơn.

Buffett không biết gì về điều hành trang trại. Nhưng ông có một người con trai thích trồng trọt. Nhờ đó, ông tính toán được mỗi năm họ có thể làm ra bao nhiêu bao ngô và đậu tương với chi phí ra sao, rồi nhẩm ra lợi nhuận hàng năm từ trang trại. Tỷ phú cho rằng năng suất sẽ được cải thiện theo thời gian và giá nông phẩm cũng tăng lên. Thi thoảng, họ có thể bị thất bát, nhưng cũng sẽ có những vụ mùa bội thu. Ông cũng chưa bao giờ có ý định bán nơi này. Và sau 28 năm, giá trị trang trại đã tăng gấp 5, còn lợi nhuận hàng năm thì lên gấp ba.

Tương tự, tòa nhà ông mua cùng một nhóm bạn cũng được tin tưởng sẽ sinh lời khi số người thuê tăng lên. Tất cả là nhờ vị trí rất đắc địa – ngay cạnh Đại học New York và ngôi trường này sẽ chẳng rời đi đâu cả.

"Trong hai vụ đầu tư đó, tôi chỉ nghĩ tài sản này sẽ mang lại mình cái gì chứ không quan tâm đến giá cả hàng ngày của chúng. Kẻ thắng là người tập trung vào cuộc chơi, chứ không phải dán mắt vào bảng kết quả", ông nói.

Khi mua những bất động sản này năm 1986 và 1993, các dự báo kinh tế đều không ảnh hưởng gì đến quyết định của ông. "Tôi còn chẳng nhớ các tít báo hay chuyên gia nói gì vào thời điểm đó. Vì dù người ta có nói gì, ngô vẫn được trồng ở Nebraska và sinh viên vẫn cứ đổ xô tới Đại học New York", Buffett cho biết.

Từ đó, Buffett khuyên các nhà đầu tư mới hoặc ngại mạo hiểm rằng không nên mua các cổ phiếu "đang ở thời kỳ quá rực rỡ" và cũng đừng "vỡ mộng khi giá giảm". "Cách giải quyết lúc này là tích trữ cổ phiếu trong thời gian dài, không bán khi có tin xấu và giá rời xa mức đỉnh", ông nói.

Ông cũng cảnh báo việc "để ý đến hành vi thất thường và thiếu logic" của cổ phiếu sẽ khiến nhà đầu tư "cư xử thiếu chính xác". Thêm vào đó, Buffett cho rằng "dựa vào các nhận định vĩ mô hoặc lắng nghe dự đoán thị trường của người khác là việc phí thời gian".

Cuối cùng, tỷ phú khuyên rằng: "Mặc kệ người ta nói, hãy giữ chi phí ở mức tối thiểu và đầu tư vào cổ phiếu như trang trại vậy".

Hà Thu - vnexpress.vn

NGUYỄN THÁI DUY – SỨC HÚT

0988227905

Dịch vụ

Thông tin liên hệ

  • Địa chỉ: Số 12A, HH04, KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội
  • Hotline: 0988227905
  • Email: nguyenhuytap@gmail.com

Các khóa học

  • Khóa học SALE RICH
  • Khóa học CEO 4.0
  • Khóa học làm chủ doanh nghiệp

Facebook